Công nhân chế biến thủy sản cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vacxin Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trung bình trên 8,5 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp từ 2018 – 2020, thuộc Top 8 ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu chính của đất nước.
Tuy nhiên trong thời gian qua, với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại nhiều khu công nghiệp, nơi có các nhà máy đông người, trong đó có các nhà máy chế biến thủy sản, là nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, đến sức khỏe và đời sống của người lao động.
Là một trong những ngành công nghiệp tập trung lực lượng lao động đông đúc với đặc thù của ngành là lao động tập trung và làm việc trong môi trường ẩm ướt nên rất dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát.
Do đó, nếu có ca nhiễm Covid-19 trong nhà máy chế biến thủy sản sẽ dẫn đến những hệ luỵ và thiệt hại vô cùng lớn như sau:
Buộc các doanh nghiệp phải dừng toàn bộ hoạt động sản xuất để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, cách ly từ 14-21 ngày, điều này sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng của cả ngành ảnh hưởng từ người dân nuôi trồng, ngư dân khai thác hải sản cho đến chế biến và xuất khẩu gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế.
Công nhân, người lao động trong các nhà máy chế biến thuỷ sản là trụ cột kinh tế, việc phải cách ly không đi làm được do nhà máy bị phong toả sẽ khiến cho đời sống gia đình hết sức khó khăn.
Ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng đơn hàng trong và ngoài nước, làm mất tính liên tục và sức cạnh tranh với các quốc gia khác dẫn đến mất thị trường xuất khẩu và uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.Hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm, trong đó đặc biệt có lượng lớn lao động nghèo dân tộc Khmer tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ góp phần tạo ra những tiền đề cho sự bất ổn về phát triển kinh tế, an sinh và trật tự xã hội.
Ngành thủy sản đang thu hút hơn 4 triệu lao động trong toàn chuỗi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trước tình hình đó, ngày 26/5/2021, VASEP đã có văn bản số 63/CV-VASEP gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp thuỷ sản mua và tiêm vacxin Covid-19.
Theo đó, VASEP đăng ký mua 500.000 liều vacxin mà Chính phủ đang đặt mua theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua 500.000 liều vacxin và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ chủ động và đóng góp đầy đủ.
Ngày 21/6, VASEP gửi công văn số 72/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đề nghị đưa đối tượng công nhân chế biến xuất khẩu thuỷ sản vào diện ưu tiên tiêm vacxin Covid-19.
Trong công văn, VASEP và các doanh nghiệp thuỷ sản thành viên bày tỏ sự cảm kích trước những chính sách kịp thời của Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Để có thể đảm bảo sức khỏe người lao động, ổn định hoạt động cho ngành thủy sản nhằm duy trì tốc độ phát triển xuất khẩu cũng như tránh những rủi ro lớn kể trên, VASEP đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có chủ trương riêng đối với ngành thủy sản theo quy định tại mục i khoản 1 điều 2 Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2021, đưa lực lượng lao động trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vào diện ưu tiên được tiêm vacxin Covid-19.
Toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500-3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000-10.000 lao động, mật độ lao động cao.
Những tháng qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành thủy sản vẫn duy trì được sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Sơn Trang
nongnghiep.vn