Kháng sinh - sử dụng hay lạm dụng?

13/08/2020
Sử dụng kháng sinh sẽ làm xáo trộn sự cân bằng vốn rất mong manh của môi trường thủy sinh, làm cho đối tượng nuôi đang bệnh còn phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn. Vì vậy, dùng kháng sinh phải thận trọng, chính xác và hợp lý.
Kháng sinh trong nuôi thủy sản
Trong nuôi trồng thủy sản hiện đại, việc sử dụng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và thuốc kháng sinh là điều không thể tránh khỏi.

Trong nuôi trồng thủy sản hiện đại, việc sử dụng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và thuốc kháng sinh là điều không thể tránh khỏi, mức độ thâm canh càng cao thì mức độ sử dụng thuốc, hóa chất càng nhiều. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người nuôi dùng kháng sinh, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường không đúng kỹ thuật nên không đạt hiệu quả như mong đợi. Việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như gây độc, biến đổi hệ vi khuẩn của người tiêu dùng hoặc làm cho người tiêu dùng cũng bị kháng thuốc.

Kháng sinh là gì 

Kháng sinh là hoạt chất tự nhiên được chiết xuất từ vi sinh vật (thường là vi nấm) có tác dụng chống vi khuẩn. Theo nghĩa rộng, một số thuốc có nguồn gốc tổng hợp (như metronidazole, các quynolone) cũng được xếp vào thuốc kháng sinh. 

Thông thường, thuốc kháng sinh được sử dụng để kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh. Do việc sử dụng không đúng cách, bao gồm cả liều lượng và loại kháng sinh sử dụng đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh và tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong thịt thuỷ sản. Một nguyên nhân khác gây ra hiện tượng này là việc sử dụng các loại kháng sinh với hàm lượng nhỏ được phối trộn trong thức ăn của thuỷ sản với mục đích được người nuôi cho là kích thích tăng trưởng và phòng bệnh, đây là một nhận thức sai lầm về sử dụng kháng sinh. Trong sử dụng kháng sinh nhiều khi phải dùng phối hợp 2 kháng sinh trở lên cùng lúc để đạt hiệu quả trong điều trị. Sự phối hợp kháng sinh nhằm đạt các mục đích:

  • Mở rộng phổ kháng khuẩn và loại trừ nguy cơ xuất hiện chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.
  • Trị bệnh trong trường hợp nhiễm trùng kết hợp hoặc cần tác động hiệp lực.

Cơ chế tác dụng của kháng sinh

Để việc sử dụng kháng sinh được hiệu quả hơn, an toàn hơn và tránh những tác hại của nó, chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế tác dụng của chúng.

  • Kháng sinh tác dụng lên các quá trình của tế bào: Kháng sinh có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn như các thuốc thuộc nhóm β lactamin, nhóm glycopeptide (vancomycin), nhóm polymycine (baxitracin). Ngoài ra, kháng sinh có tác dụng ức chế chức năng của màng tế bào và màng nguyên sinh chất như nhóm kháng sinh polymycine (colistin), gentamicin, amphoterricin.
  • Kháng sinh tác dụng lên hệ phi bào: Kháng sinh tác dụng gây rối loạn và ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn ở mức ribosome, kết quả là vi khuẩn tổng hợp nên các protein dị dạng không cần thiết cho sự nhân lên của tế bào. Bên cạnh đó, nó còn tác dụng ức chế tổng hợp nhân tế bào (tổng hợp các axít nucleic, bao gồm cả ADN và ARN của nhân và nguyên sinh chất trong tế bào).

Phối hợp kháng sinh

Việc sử dụng cẩn trọng và có hệ thống các loại kháng sinh sẽ giải quyết được một nửa các vấn đề gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Vấn đề cũng có thể được giải quyết bằng cách phối hợp 2 loại kháng sinh khác nhau có hình thức tác dụng khác nhau lên vi sinh vật. Lý do là các vi sinh vật rất ít có khả năng kháng được cả hai loại kháng sinh khác nhau.

Khi phối hợp hai kháng sinh, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Nguyên tắc thứ nhất: Hai kháng sinh phối hợp nên có cùng loại tác dụng (hoặc cùng có tác dụng hãm khuẩn hoặc cùng có tác dụng diệt khuẩn). 
  • Nguyên tắc thứ hai: Không phối hợp hai kháng sinh thuộc cùng một cơ chế tác dụng hoặc gây độc lên cùng một cơ quan.
  • Nguyên tắc thứ ba: Không phối hợp hai kháng sinh kích thích sự đề kháng của vi khuẩn.


Mô tả nguyên tắc phối hợp kháng sinh. Nguồn: Innovet

Tình trạng sử sụng kháng sinh trong thủy sản hiện nay

Hiện nay, do tình hình nhập nhằng của thị trường thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản nên chưa có những số liệu cụ thể về chủng loại, số lượng từng loại kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh thông dụng được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản gồm: nhóm sulfonamid, nhóm tetracycline, nhóm Quynolone, Erythromycin.

Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trên động vật thủy sản, đặc biệt là đề kháng với nhóm β-lactam là nghiêm trọng. Việc gia tăng kháng kháng; sinh của vi khuẩn đã được chứng minh là có nguyên nhân từ việc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Việc sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi trong nuôi trồng thủy sản có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như gây độc, biến đổi hệ vi khuẩn của người tiêu dùng hoặc làm cho người tiêu dùng cũng bị kháng thuốc. Sau đây là một số trường hợp sử dụng không đúng cách:

  • Dùng kháng sinh để trị các bệnh do vi rút gây ra, dùng kháng sinh điều trị các triệu chứng gần giống nhau nhưng chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
  • Dùng kháng sinh không đúng liều, dùng liều quá cao có thể gây ngộ độc cho vật chủ ảnh hưởng đến khả năng chống chịu với bệnh, dùng liều quá thấp cũng sẽ làm thất bại trong điều trị và dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc.
  • Điều trị chỉ dựa vào việc sử dụng kháng sinh, không sử dụng các liệu pháp hỗ trợ, chậm hết bệnh, làm cho việc điều trị kéo dài.
  • Thiếu thông tin đầy đủ về vi khuẩn gây bệnh.Đây là trường hợp phổ biến nhất và có lẽ khó cải thiện nhất. Đa số bệnh được chẩn đoán và điều trị chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa sử dụng phương pháp nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để có nhận định chính xác hơn về sự nhạy cảm với các kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh.

Mặt trái chính của việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là gây ô nhiễm môi trường, làm cho các vật nuôi và cả con người kháng lại thuốc khi sử dụng thực phẩm có nhiễm thuốc (vì liều lượng thấp), làm cho các vi khuẩn gây bệnh nhờn thuốc và như vậy khi người hay vật nuôi bị nhiễm loại vi khuẩn đã nhờn thuốc thì những thuốc “đã bị nhờn” sẽ không sử dụng để chữa trị bệnh được nữa. Dư lượng kháng sinh tồn dư trong cơ thể vật nuôi thủy sản cũng có thể có tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, có một số thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Tóm lại, trong nuôi trồng thủy sản chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi cần thiết, khi không còn phương cách khác để kiểm soát dịch bệnh, bởi vì việc sử dụng kháng sinh sẽ làm xáo trộn sự cân bằng vốn rất mong manh của môi trường thủy sinh, làm cho các sinh vật nuôi phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn. Kháng sinh nào được dùng nhiều nhất và rộng rãi nhất thì có nhiều vi khuẩn kháng lại thuốc đó nhất. Khi vi khuẩn đề kháng gây bệnh và gây thành dịch thì rất khó điều trị, bởi vì chúng đề kháng đúng những thuốc đang thông dụng và không đắt tiền. Vì vậy, dùng kháng sinh phải thận trọng, chính xác và hợp lý.
Nguồn:"tepbac.com"

Tags: