Một số loại sâu, bệnh trên cây cà phê mà bà con cần biết

20/02/2020
Có thể nói cây cà phê trong những năm gần đây đã đóng góp một phần rất lớn trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của nước ta trong những năm qua. Mỗi năm cây cà phê đã mang về một lương kinh ngạch trên 2 tỷ USD. Trên cả nước, hiện có hàng trăm ngàn hộ gia đình với hàng triệu nhân khẩu có cuộc sống phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào cây cà phê. Cây cà phê cũng đã tạo ra công việc và thu nhập cho hàng triệu người dân…..
Để cây cà phê phát triển ổn định và bền vững, mang lại thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo…thì cần phải quan tâm đến tất cả các khâu từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu…
Nhưng có một vấn đề đáng quan tâm hơn là trong những năm qua, tình hình phát sinh sâu bệnh trên cây cà phê đang diễn biến hết sức phức tạp, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều loại bệnh chưa có thuốc đặc trị, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây cà phê cũng có nhiều vấn đề đáng bàn…
Theo kinh nghiệm thực tế thì sâu bệnh thường sẽ xuất hiện sau khi thu hoạch xong cà phê cho đến cuối mùa nắng, đầu mùa mưa. Đây là giai đoạn phát triển khá nhanh và khá nhiều loại sâu bệnh trên cây cà phê mà bà con nông dân cần lưu ý. Để giúp bà con nông dân nhận diện được những đặc điểm cơ bản các loài sâu bệnh hại cà phê để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Theo Cục bảo vệ thực vật cho biết, tập đoàn sâu bệnh hại trên cây cà phê rất phong phú và đa dạng gồm 18 loại sâu bệnh chính. Các loài sâu hại quan trọng thuộc 6 họ của 3 bộ gồm bộ cánh cứng, bộ cánh đều bộ cánh vảy. Trong đó xuất hiện phổ biến nhất là các loại bệnh sau: rệp sáp, ve sầu hại rễ, sâu đục thân, đục cành, đục quả; bệnh gỉ sắt và các loại bệnh nấm…
  1. Rệp sáp
H/a: Bệnh rệp sáp trên cây
Rệp sáp là một trong những loại sâu bệnh hại chủ yếu trên cây cà phê. Trong những năm qua, rệp sáp đã gây hại trên diện rộng ở hầu hết các vùng chuyên canh cây cà phê. Chúng không chỉ gây mất năng suất mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê thành phẩm.
Rệp sáp gây hại cà phê từ giai đoạn kiến thiết cơ bản đến thời kỳ kinh doanh. Chúng phát sinh và gây hại quanh năm, hại thân, lá, cành, quả…tập trung chủ yếu ở các phần non của cây như lá non, chồi non, chùm hoa, quả non. Chúng hút chất dinh dưỡng của hoa, quả non làm giảm khả năng đậu quả. Và thường xuất hiện nhiều nhất là vào giai đoạn mùa khô từ khi cây ra hoa và hình thành quả (khoảng từ tháng 1 đến tháng 4) nhưng mật độ rệp sẽ giảm dần khi mùa mưa đến.
  1. Ve sầu
H/a: Ve Sầu
Ve sầu là loài côn trùng chích hút, thuộc loại hình biến thái không hoàn toàn với 3 pha phát dục là trứng, sâu non và trưởng thành. Trứng ve sầu được đẻ trên thân, cành cấp 1, 2 của cây cà phê. Sau khi Ve sầu nở rơi xuống đất, ngay lập tức chúng chui ngay vào trong đất và tìm đến rễ cây để chích hút nhựa. Nguồn thức ăn chính của Ve sầu là dịch nhựa được hút từ rễ cây thông qua vòi chích hút. Thông thường Ve sầu sống bám theo hệ thống của rễ cây, di chuyển sâu xuống đất và tạo thành các lổ xung quanh rễ làm đứt rễ tơ. Ở nhưng khu vực có mật độ ve sầu cao, chúng không chỉ chích hút dịch nhựa mà còn làm cho lượng rễ tơ giảm sút đi một cách rõ rệt nên khả năng hút chất dinh dưỡng của cây giảm sút đi rất nhiều. Ve sầu thường sống ở độ sâu từ 10 đến 40cm và ở độ rộng của tán cây từ 20 đến 70cm, đây là tầng đất mà rễ cây cà phê phát triển tập trung và nhiều nhất.
 
  1. Sâu đục thân, đục cành

H/a: Sâu đục thân
Sâu đục thân là loại sâu thường đục một lổ nhỏ trên thân cành cây, chúng chui sâu vào bên trong và làm thành một lổ rỗng lớn khiến thân cây không tiếp xúc được với chất dinh dưỡng dẫn đến chết hàng loạt. Sâu đục thân thường phát triển mạnh vào các tháng mùa khô và bắt đầu phá hại từ tháng 9 – 10 và cao điểm là tháng 12 và tháng 1 năm sau.
  1. Bệnh gỉ sắt

H/a: Bệnh gỉ sắt
Bệnh gỉ sắt thường xuất hiện ở mặt dưới lá với những chấm nhỏ có màu vàng nhạt trông như những giọt dầu. Sau đó ở giữa những vết bệnh xuất hiện lớp bột màu vàng cam, đó chính là bào tử của nấm gỉ sắt. Vết bệnh chuyển dần sang màu trắng, từ trung tâm ra ngoài và cuối cùng là những vết cháy màu nâu đen trên lá. Các vết cháy có thể liên kết với nhau dẫn đến việc cháy toàn bộ lá. Nếu bệnh nặng, cây có thể rụng hết lá, khô cành, năng suất kém rồi chết. Tại khu vực Tây Nguyên, bệnh gỉ sắt thường xuất hiện trong thời gian bắt đầu mùa mưa.
  1. Bệnh nấm
H/a: Bệnh nấm trên cây cà phê
Bệnh nấm ban đầu trên quả hay cành cà phê xuất hiện những chấm rất nhỏ, màu trắng giống như bụi phấn. Sau đó lớp phấn này chuyển sang màu hồng. Bệnh thường xuất hiện ở mặt dưới cành và cuốn quả làm cành bị chết khô, quả héo và rụng non. Trên cà phê vối kinh doanh, bệnh thường gây hại có tính cách cục bộ từng cây làm chết từng cành và nếu nặng chúng có thể làm chết cả cây. Bệnh nấm thích hợp với điều kiện độ ẩm cao, có nhiều ánh sáng, do đó trên cây cà phê bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Bệnh phát triển rất nhanh trên cây nhưng mức độ lây lan từ cây này sang cây khác thì hơi chậm. Ở Tây Nguyên, bệnh nấm thường xuất hiện từ tháng 6,7 trong năm và phát triển mạnh trong khoảng thời gian tháng tháng 7 đến tháng 9. Năm nào có mưa nhiều, độ ẩm không khí cao thì bệnh bệnh phát triển mạnh hơn.
  1. Bệnh tuyến trùng
H/a: Vòng đời Tuyến trùng
Bệnh tuyến trùng gây hại trên cà phê ở tất cả các loại tuổi, cả trong giai đoạn ở vườn ươm. Trong vườn cà phê, thường bệnh xuất hiện với triệu chứng đầu tiên là một mảng hay một vùng cây sinh trưởng kém trong khi các cây xung quanh vẫn sinh trưởng tốt. Trên cây, triệu chứng do tuyến trùng gây ra có thể được chia làm 2 nhóm trên mặt đất và dưới đất. Triệu chứng trên mặt đất thể hiện rõ nhất là cây giảm sinh trưởng, thiếu dinh dưỡng, lá vàng, thường héo khi thời tiết nóng hoặc khô, làm giảm năng suất và chất lượng. Ở dưới đất, bệnh thường gây ra triệu chứng thối rễ cọc trên cà phê mới và thối rễ tơ trên cà phê kinh doanh. Trên cây cà phê mới, bệnh xuất hiện trên các vườn trồng lại trên đất các vườn cà phê già cỗi. Đối với các vườn cà phê kinh doanh, bệnh thuờng bệnh thường xuất hiện ở những vườn cà phê cho năng suất cao trong một thời gian dài nhưng không được bổ sung phân hữu cơ cũng như không bón phân hoá học cân đối khiến cây kiệt sức và giảm sức đề kháng.
Qua việc nhận diện được một số loại sâu bệnh chính trên cây cà phê, bà con nông dân có thể tìm kiếm các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, thuốc đặc trị để  cứu chữa cho vườn cà phê của mình, mang lại năng suất cao, phát triển ổn định và bền vững.

Tags: