Vụ xuân hè 2021, huyện Nga Sơn thả nuôi thủy sản với diện tích 890 ha nước ngọt, 370 ha nước mặn, 439 ha nước lợ và hơn 20 ha nuôi tôm công nghiệp. Phấn đấu năng suất bình quân đối với nuôi cá truyền thống nước ngọt đạt 2,5 tấn/ha; tôm, cua các loại nuôi quảng canh cải tiến đạt 1 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 12,2 tấn/ha...
Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng còn nuôi xen vụ trên diện tích nuôi cá nước ngọt, nước lợ bình quân đạt 1,2 tấn/ha. Để đạt được kết quả trên, huyện Nga Sơn đang tập trung xây dựng kế hoạch nuôi cụ thể vùng NTTS tại 3 xã Nga Tân, Nga Tiến và Nga Thủy và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các diện tích mặt nước, bãi triều; ruộng nhiễm mặn, ruộng sâu trũng cấy lúa, trồng cói kém hiệu quả kinh tế. Mở rộng hình thức nuôi xen ghép các loại thủy sản, như: cá đối mục với cua xanh, cá rô phi với tôm sú và rau câu,... theo hình thức thâm canh để giảm bớt rủi ro trong nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi, giống mới và sử dụng thức ăn công nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh đối với vùng nuôi. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, cho biết: Trong những năm qua, xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất cói không hiệu quả sang NTTS và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình NTTS theo hình thức xen ghép, kết hợp cá đối, tôm thẻ và cua xanh trong cùng một ao, đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác động tích cực đến môi trường ao nuôi. Với hình thức nuôi này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi. Ngoài ra, người dân trong xã đã chuyển đổi 45 ha NTTS quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng/ha. Đơn cử, như hộ các ông Phạm Văn Hiếu, thôn 4; Trần Văn Lâm, thôn 7; Nguyễn Văn Kiên, thôn 3...
Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp tại xã Nga Tân (Nga Sơn) đầu tư cơ sở hạ tầng, nuôi 3 vụ trong năm.
Hiện toàn tỉnh có 19.500 ha diện tích NTTS; trong đó, nước ngọt 14.150 ha, nước mặn 1.250 ha, nước lợ 4.100 ha. Những năm gần đây, diện tích NTTS được mở rộng, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, cải tạo hệ sinh thái vùng nuôi... các hộ NTTS ở các địa phương trong tỉnh đã áp dụng cách nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nuôi luân canh các đối tượng khác nhau theo mùa vụ trong năm.
Tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn... đã thực hiện các mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua xanh và cá rô phi đơn tính; mô hình nuôi tôm kết hợp với cá đối mục... Đây là những mô hình dễ thực hiện, vốn đầu tư phù hợp với người dân. So với NTTS độc canh trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng khác cho giá trị kinh tế cao hơn khoảng 30%.
Việc áp dụng hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Với việc đa dạng hóa con nuôi trong NTTS đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi. Tạo hướng đi mới cho nghề NTTS và giúp xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhất là, đã cải tạo được những ao, đầm kém hiệu quả trong nuôi trồng thâm canh, mang lại thu nhập cho người dân.